Thuở Phật còn tại thế, có một thầy Tỳ kheo số
phận hẩm hiu, từ lúc mới sanh cho tới khi tu hành chứng quả, chưa khi nào thầy
được một bữa no lòng. Vì thiếu sinh tố dinh dưỡng, nên người thầy trông ốm o,
lều khều, nước da mét mét, trong lòng lúc nào cũng đói meo, thật thiểu não.
Tuy trong lòng trống trơn như vậy, nhưng thầy
vẫn siêng năng tu hành. Mỗi sáng thầy dậy thật sớm, cần mẫn trong công việc của
chúng tăng, rồi sau đó thầy đắp y, mang bát vào thành khất thực. Thầy lần lượt
đến nhà này đến nhà kia, hết xóm này đến xóm khác, nhưng chẳng ai cúng cho thầy
một tí đồ ăn nào cả. Ðến đâu họ cũng đóng cửa, hoặc lẩn tránh nơi khác, cho đến
khi hết buổi, thầy buồn bã ôm bát trở về. Có khi năm bảy hôm mới được một bữa
tàm tạm để cầm hơi. Dù vậy, thầy không bao giờ nản lòng, thối chí, thầy biết do
nghiệp lực nhiều đời của thầy đã tạo, nên thầy càng dõng mãnh tinh tiến tu hành
hơn. Ðối với bổn sư của thầy – Ngài Xá Lợi Phất, thầy hết lòng hầu hạ, đối với
các vị Trưởng lão kỳ túc, thầy luôn luôn tôn kính, đối với bậc ngang hàng hoặc
nhỏ hơn, thầy luôn luôn từ hòa nhu thuận. Ai cũng mến thầy, nhưng vì nghiệp lực
chẳng ai giúp gì được cho thầy.
Một hôm thấy thầy mệt lả vì cơn đói hoành
hành, Ngài Xá Lợi Phất sau khi khất thực về dành phần cho thầy, nhưng thương
thay, cơm vừa để vào bát liền hóa thành đất bùn. Ngài Mục Kiền Liên thấy thế
liền vận thần thông cho cơm vào bát, nhưng oan nghiệt lạ, từ trên không một con
chim to tướng bay rớt xuống gắp phần cơm đi mất, thần thông của Ngài Mục Kiền
Liên cũng không làm sao thắng được nghiệp lực, đành đứng mà nhìn. Ðến phiên
Ngài Ca Diếp, thương lòng, đem cơm đến và tự mình bốc cơm đưa vào miệng cho
thầy, nhưng cơm vừa đến miệng, thì miệng thầy tự nhiên ngậm lại chẳng chịu hả
ra, nên không ăn được.
Từ nơi Tịnh Xá, Ðức Thế Tôn biết được tình
trạng của thầy La Vân Châu như vậy, Ngài đi đến và dùng bi lực trao đồ ăn cho
thầy, nhờ bi lực của Thế Tôn, đồ ăn ấy trở thành vị cam lồ, thầy vừa đưa vào
miệng đã thấy một niềm hoan lạc vô biên. Sau khi dùng cơm xong, Ðức Thế Tôn nói
pháp cho thầy nghe, quá cảm xúc tấm lòng đại bi của Phật, thầy thọ nhận pháp vi
diệu ấy với cả thân tâm, hoát nhiên chứng quả A La Hán.
Các thầy Tỳ kheo chứng kiến cảnh ấy rất lấy
làm cảm kích, bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, La Vân Châu tu hành như
vậy, nhưng vì sao mà không khi nào thầy được no lòng cho đến khi chứng quả?
- Này các Tỳ kheo, đây không phải là
lần đầu tiên La Vân Châu phải chịu đói khát, mà từ vô lượng kiếp, La Vân Châu
đã phải chịu rồi. Khi thì làm ngạ quỷ, khi thì súc sanh, khi thì người, trải
qua 500 kiếp không khi nào no lòng, nhưng đến hôm nay, nhờ thầy tinh tấn tu
hành, chứng quả A La Hán thầy mới hết nghiệp.
Này các Tỳ kheo, quả báo như thế cũng chỉ vì
từ vô lượng kiếp La Vân Châu đã lấy trộm đồ ăn của một vị Bích Chi Phật, do quả
báo ấy mà phải chịu đói khổ nhiều đời.
GIỚI ÐỨC
“Nỗi khổ bị thiêu trong ba đường dữ, nỗi khổ con lạc đà, con lừa chở nặng,
nỗi khổ bị đói khát áp bức chưa gọi là khổ. Si mê không học, không biết hướng
đi mới gọi là khổ”.